Cấp cứu 0238 3 666 666
Thời gian làm việc
Thứ 2 đến Chủ nhật - 7 giờ sáng  - 17h30 chiều
Hotline (+84) 2383.666.666 - 19009228
Khối Thịnh Mỹ, P. Quỳnh Thiện, TX Hoàng Mai, Nghệ An

Tin chuyên ngành

Chữa trào ngược dạ dày bằng thuốc nam - 7 loại cây - trái có trong vườn nhà bạn

Trào ngược dạ dày là tình trạng dịch dạ dày có thể lẫn thức ăn thường xuyên bị trào ngược lên vùng thực quản, có thể xuất hiện sau bữa ăn trong thời gian ngắn. Trào ngược dạ dày có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp, đặc biệt chữa trào ngược dạ dày bằng thuốc nam là biện pháp được nhiều người áp dụng do an toàn, đơn giản, dễ thực hiện. Dưới đây là 7 cây thuốc nam được đánh giá là mang lại hiệu quả điều trị trào ngược dạ dày tốt nhất hiện nay.
Triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản

 
Các triệu chứng thường gặp của bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Các triệu chứng thường gặp của bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản được xem là bệnh lý khi chứng trào ngược xảy ra thường xuyên (từ 2 – 3 lần/tuần) khiến thực quản tổn thương. Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như do tác dụng phụ của thuốc Tây, thói quen ăn uống sinh hoạt không tốt hoặc do các bệnh lý về dạ dày… 

Các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản thường gặp là:

  • Tiết nước bọt nhiều: Là phản ứng sinh lý của cơ thể nhằm trung hòa acid trào lên thực quản.
  • Tức ngực: Cảm giác nóng rát vùng thượng vị, đau tức ngực khó chịu do thức ăn và dịch vị trào ngược lên gây chèn ép thực quản.
  • Miệng có vị đắng: Vị đắng này do dịch mật tiết ra nhiều
  • Khó nuốt: Nếu tình trạng trào ngược dạ dày diễn ra thường xuyên, tần suất mạnh sẽ khiến niêm mạc thực quản phù nề, sưng tấy gây ra cảm giác khó nuốt, vướng cổ
  • Viêm phổi: Xảy ra khi dịch vị trong dạ dày đẩy lên vùng thực quản, tràn vào phổi gây viêm nhiễm.
  • Ho, khan tiếng: Do dây thanh quản tiếp xúc với acid dạ dày dẫn đến tình trạng sưng tấy, khan tiếng, lâu ngày chuyển thành ho.

7 Cách chữa trào ngược dạ dày bằng thuốc nam

Dùng thuốc nam chữa trào ngược dạ dày thực quản là phương pháp được nhiều người lựa chọn do an toàn, lành tính lại dễ sử dụng và không gây nóng trong. Tuy nhiên, thuốc nam lại có một nhược điểm là hiệu quả chậm, tùy thuộc vào cơ địa mỗi người mà tác dụng điều trị không giống nhau. Hiện nay, 7 cây thuốc nam chữa bệnh trào ngược dạ dày thực quản được nhiều người sử dụng nhất là:

1. Chữa trào ngược dạ dày bằng nghệ:

 
chữa trào ngược dạ dày thực quản bằng thuốc nam
 
Nghệ thường được sử dụng để hỗ trợ các bệnh lý liên quan đến dạ dày
 

Nghệ là một trong những cây thuốc nam có tác dụng tốt với hầu hết các bệnh lý về dạ dày trong đó có trào ngược dạ dày thực quản. Trong nghệ chứa hợp chất curcuminoid với các thành phần chính như curcumin, bisdemethoxycurcumin, demethoxycurcumin. Trong đó, curcumin đóng vai trò trong việc hỗ trợ tiêu hóa, thúc đẩy quá trình co bóp của dạ dày, giảm dịch vị và acid dạ dày. Không chỉ vậy, nghệ còn hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị trào ngược dạ dày thực quản.

Có nhiều cách dùng nghệ chữa trào ngược dạ dày thực quản như sau:

Cách 1:

  • Lấy 1 củ nghệ tươi, rửa sạch, bỏ vỏ, thái lát mỏng, cho vào máy sinh tố thêm ít nước sôi để nguội, xay thật nhuyễn
  • Dùng vải sạch, lọc lấy phần nước cốt nghệ bỏ bã, thêm một ít nước vào nước cốt nghệ, để trong 3 – 4 giờ cho tinh bột nghệ lắng xuống.
  • Chắt bỏ phần nước, giữ lại tinh bột nghệ, thêm một ít nước cho vào nồi đun sôi. 
  • Cho vào tủ lạnh, dùng dần trong 7 ngày, dùng sau khi ăn là tốt nhất.

Cách 2:

  • Lấy 3 muỗng cà phê tinh bột nghệ pha với 2 muỗng cà phê mật ong, khuấy đều tay, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
  • Sử dụng 3 lần/ngày, mỗi lần 1 muỗng cà phê hỗn hợp trên trước khi ăn, thực hiện đều đặn trong 2 tuần sẽ thấy tình trạng bệnh cải thiện đáng kể.

Lưu ý: Nghệ vàng có tính kháng khuẩn cao, chỉ được dùng với liều lượng cho phép, lạm dụng nghệ vàng sẽ gây phản tác dụng.

2. Chữa trào ngược dạ dày bằng thuốc nam với đu đủ

 
quả đu đủ
 
Có thể dùng đu đủ để chữa trào ngược dạ dày
 

Đu đủ là một loại trái cây tốt cho hệ tiêu hóa và sức khỏe dạ dày. Trong đu đủ chứa nhiều dưỡng chất như: Beta carotene giúp tăng cường hấp thu vitamin A giúp tăng cường hệ miễn dịch; giàu vitamin A, C, E, K; giàu khoáng chất như kẽm, đồng, canxi, photpho, magie; giàu chất chống oxy hóa như bioflavonoids, choline, lutein, lycopene, zeaxanthin… Đặc biệt, trong quả đu đủ còn chứa một loại enzym đặc biệt là papain có tác dụng cải thiện các triệu chứng ợ chua, ợ hơi, bảo vệ dạ dày, thành ruột…

Cách thực hiện:

  • Cách 1: Mỗi ngày ăn 1 – 2 miếng đu đủ sau bữa cơm giúp giảm thiểu đáng kể các triệu chứng bệnh
  • Cách 2: Lấy một ít nước mía, đu đủ, táo tây cho vào máy xay sinh tố, xay nhuyễn, đổ ra ly để dùng. 

3. Chữa trào ngược dạ dày bằng cam thảo

Theo đông y, cam thảo hay sinh cam thảo, quốc lão, bắc cam thảo có vị ngọt, tính bình, không độc có tác dụng ích khí hóa đờm, bổ tỳ, giải độc. Thông thường rễ cam thảo có thể dùng để điều trị trào ngược dạ dày do trong thành phần có chất kích thích niêm mạc dạ dày kháng tiết dịch vị acid. Không chỉ vậy, cam thảo còn có tác dụng làm lành các vết loét nhanh, hỗ trợ sự phục hồi của các vết thương trên niêm mạc dạ dày.

Cách thực hiện:

  • Lấy 100g cam thảo khô, tán thành bột mịn
  • Mỗi ngày cho 4 – 5g pha với 100ml nước hoặc dùng cam thảo khô sắc lấy nước uống
  • Thực hiện đều đặn 1 – 2 tuần thì ngưng, sử dụng trước bữa ăn 20 – 30 phút

Lưu ý: Không dùng cam thảo với liều lượng quá nhiều, thời gian sử dụng tối đa là 2 tuần, không sử dụng trong thời gian dài để tránh hiện tượng phù nề, dài mặt.

4. Chữa trào ngược dạ dày bằng hoắc hương

 
Hoắc hương có mùi thơm, vị cay, tính ấm có công dụng kiện tỳ vị, điều trị chướng bụng đầy hơi, làm mạnh dạ dày
 
Hoắc hương có mùi thơm, vị cay, tính ấm có công dụng kiện tỳ vị, điều trị chướng bụng đầy hơi, làm mạnh dạ dày
 

Theo y học cổ truyền, hoắc hương có mùi thơm, vị cay, tính ấm, thường được gọi với những cái tên khác như cây tô hợp, quảng hoắc hương, khử thổ hoắc hương, linh lung.  Là cây thuốc có công dụng kiện tỳ vị, điều trị chướng bụng đầy hơi, làm mạnh dạ dày. Hạt hoắc hương có tác dụng kích thích tiêu hóa, hỗ trợ điều trị chứng trào ngược dạ dày do có khả năng tăng cường hệ thống tiêu hóa, ức chế các vi khuẩn gây bệnh.

Cách thực hiện:

  • Lấy 16g rau má, 16g gạo nếp, 12g hoắc hương, 12g gừng tươi, 8g lá dành dành sắc với 750ml nước
  • Thấy còn 1 chén thì tắt bếp, chia ra làm 3 lần uống, sử dụng sau bữa ăn 30 phút.

Lưu ý: Không áp dụng cho phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú và trẻ em dưới 5 tuổi.

5. Chữa trào ngược dạ dày bằng nha đam

Nha đam giúp cân bằng xáo trộn trong hệ tiêu hóa và ngăn ngừa acid
 
Nha đam giúp cân bằng xáo trộn trong hệ tiêu hóa và giảm tiết acid dạ dày
 

Nha đam hay lô hội không chỉ có công dụng làm đẹp mà còn là một loại cây thuốc nam tốt cho sức khỏe dạ dày và hệ tiêu hóa. Trong nha đam có chứa 23 loại acid amin thiết yếu, nhiều vitamin các nhóm A, B1, B2, B5, B6, B12, C, E, acid folic, nguyên tố vi lượng, các enzym như oxidase, Catalase, Anilaza… Lô hội có tính mát, vị đắng, có công dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan, cầm máu, cân bằng xáo trộn trong hệ tiêu hóa và giảm tiết acid dạ dày. 

Cách thực hiện:

  • Lấy 5 lá nha đam tươi, rửa sạch, bỏ phần gai và lớp vỏ xanh bên ngoài, lấy phần thịt nha đam bên trong
  • Cho nha đam vào máy xay sinh tố, nghiền nát, đổ vào bình thủy tinh sạch
  • Cho thêm 500ml mật ong vào bình, khuấy đều, đậy nắp, bảo quản trong tủ lạnh
  • Mỗi lần dùng 2 thìa mật ong nha đam để uống
  • Thực hiện đều đặn 2 – 3 lần/tuần, trước bữa ăn 20 phút, liên tục trong 1 tháng sẽ thấy hiệu quả.

Lưu ý: Hỗn hợp mật ong nha đam chỉ có tác dụng tốt trong một tuần, nếu có thời gian, nên sử dụng đều đặn mỗi ngày để gia tăng hiệu quả điều trị. 

6. Chữa trào ngược dạ dày bằng thuốc nam với thì là

Cây thì là có tính nóng, mùi thơm, thường được sử dụng để giảm mùi tanh trong các món ăn. Đặc biệt, hạt thì là còn là một vị thuốc quý, giàu vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Có tác dụng hỗ trợ điều trị khó tiêu, đầy hơi, tăng huyết áp, trị hội chứng ruột kích thích. Không chỉ vậy, hạt thì là còn chứa hoạt chất Anetholi có tác dụng làm giảm co thắt dạ dày, ngăn ngừa các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản.

Cách thực hiện:

  • Cách 1: Lấy 2 – 3 hạt thì là nhai thật kỹ, thật chậm, nuốt từ từ sau bữa cơm trưa và tối. Thực hiện trong liên tục trong 1 tuần sẽ thấy các triệu chứng bệnh cải thiện đáng kể.
  • Cách 2: Đun 100g hạt thì là  với nước sôi, để nguội, uống 3 lần/ngày, để dễ uống có thể cho thêm một ít nước cốt chanh.

Lưu ý: Chỉ sử dụng hạt thì là ở mức cho phép, không dùng quá liều lượng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.

7. Chữa trào ngược dạ dày bằng hoa cúc:

Hoa cúc giảm co thắt dạ dày, co thắt ruột, giảm hội chứng ruột kích thích
 
Hoa cúc giảm co thắt dạ dày, co thắt ruột, giảm hội chứng ruột kích thích
 

Hoa cúc cũng là một cách dùng thuốc nam chữa trào ngược dạ dày thực quản được nhiều người áp dụng. Hoa cúc vị ngọt hơi đắng, mùi thơm có tác dụng an thần, giảm mệt mỏi căng thẳng, cải thiện tình trạng mất ngủ. Hoa cúc còn có khả năng thanh nhiệt giải độc, trung hòa acid dạ dày, giảm co thắt dạ dày, co thắt ruột, giảm hội chứng ruột kích thích.

Cách thực hiện: 

  • Lấy 5 – 6 bông hoa cúc loại nhỏ, rửa sạch, đem phơi, sấy khô
  • Tráng hoa cúc qua 1 ít nước sôi, bỏ nước này, thêm 150ml nước sôi, hãm trong 5 phút
  • Thấy trà còn hơi ấm thì lấy uống, sử dụng trước khi đi ngủ từ 30 – 60 phút giúp giảm kích thích dạ dày, cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày thực quản

Chữa trào ngược dạ dày bằng thuốc nam có thực sự hiệu quả:

Đa số các trường hợp trào ngược dạ dày đều xuất phát từ việc suy giảm chức năng co bóp thức ăn của dạ dày dẫn đến đầy bụng khó tiêu. Theo đông y, sở dĩ có hiện tượng này là do tỳ vị hư yếu, muốn chữa tận gốc thì phải giáng nghịch, thuận khí, ngừa khí huyết đi lên.  

Khác với các phương pháp Tây y điều trị triệu chứng tức thời, thuốc nam có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường cơ thể giúp hỗ trợ điều hòa khí huyết, chữa bệnh từ sâu bên trong. Hơn nữa các bài thuốc nam thường an toàn, lành tính, không gây tác dụng phụ có thể áp dụng để điều trị lâu dài.

Tuy nhiên, thuốc nam chỉ có hiệu quả với các trường hợp bệnh nhẹ, mới khởi phát. Tùy thuộc vào cơ địa từng người và cách thực hiện mà hiệu quả mang lại là không giống nhau. Không chỉ vậy, các cây thuốc nam thường cho hiệu quả chậm, chỉ được sử dụng như một biện pháp hỗ trợ với trường hợp trào ngược dạ dày nặng và không thể thay thế thuốc đặc trị. Muốn điều trị dứt điểm, người bệnh nên tìm đến các phương pháp Tây y hoặc Đông y.

Những lưu ý khi sử dụng thuốc nam chữa trào ngược dạ dày

 
Thuốc nam tác dụng chậm, chỉ phù hợp với người mắc trào ngược dạ dày ở mức độ nhẹ

Khi sử dụng thuốc nam để điều trị, người bệnh cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Cần kiên trì thực hiện, không được bỏ giữa chừng hoặc sử dụng thuốc ngắt quãng thì mới thấy những chuyển biến tích cực.
  • Chỉ có tác dụng với trường hợp bệnh nhẹ, mới khởi phát, nếu người bệnh bị trào ngược dạ dày nặng nhất là nôn ra máu thì cần nhanh chóng thăm khám để điều trị.
  • Cân bằng thời gian làm việc với thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, nên ngủ đủ 8 tiếng/ngày và ngủ trước 23h.
  • Giữ cân nặng phù hợp, hạn chế các thực phẩm có gia vị mạnh để loại bỏ nguy cơ gây trào ngược dạ dày.
  • Không hút thuốc lá, không uống cà phê, rượu bia, giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng mệt mỏi.
  • Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức khỏe.

Tóm lại có rất nhiều cách chữa trào ngược dạ dày bằng thuốc nam mà người bệnh có thể áp dụng. Tuy nhiên, nếu sau nhiều ngày dùng mà không thấy hiệu quả, bệnh không có dấu hiệu suy giảm hoặc đang ở giai đoạn nặng thì nên nhanh chóng thăm khám để được kịp thời điều trị bằng phương pháp phù hợp.

                                                                                                                                                                                 (Theo thuocdantoc.org)

Tin liên quan

Công ty TNHH Y tế Hoàng mai
Khối Thịnh Mỹ, Phường Quỳnh Thiện, Thị xã Hoàng Mai, Tỉnh Nghệ An

   Hotline: 1900.9228

   Email: lienhe@quangkhoi.org
 
GPĐKKD: 2901222121 cấp ngày 14/03/2018 tại Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Nghệ An
Giấy phép hoạt động khám bệnh,chữa bệnh : 225/BYT - GPHĐ cấp ngày 6/7/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Vị trí & Bản đồ